Cụm công nghiệp là gì? 7 thông tin quan trọng về cụm công nghiệp

Cụm công nghiệp là gì? Đây một khái niệm kinh tế quen thuộc trong lĩnh vực khu công nghiệp của một quốc gia. Các cụm công nghiệp đóng vai trò quan trọng giúp phát triển bền vững các lĩnh vực truyền thống như chế biến nông lâm thủy hải sản và tiểu thủ công nghiệp. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu 7 thông tin mà bạn cần biết về cụm khu công nghiệp.

Cụm công nghiệp là mô hình có nhiều đóng góp trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa của Việt Nam (Hình ảnh: CCN và dịch vụ 24/4 Đắk Lắk)
Cụm công nghiệp là mô hình có nhiều đóng góp trong quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa của Việt Nam (Hình ảnh: CCN và dịch vụ 24/4 Đắk Lắk)
Nội dung chính

1. Cụm công nghiệp là gì?

Cụm công nghiệp là một khu vực được quy hoạch tách biệt với khu vực dân cư, có ranh giới địa lý nhất định. Đây là nơi tập trung các hoạt động sản xuất công nghiệp có quy mô vừa và nhỏ phục vụ nhu cầu của địa phương. Các cụm khu công nghiệp thường tập trung các hộ gia đình hoặc doanh nghiệp tư nhân có quy mô vừa và nhỏ tham gia hoạt động. 

Sự khác biệt lớn nhất giữa cụm công nghiệp và khu công nghiệp là quy mô và lĩnh vực sản xuất. Cụm công nghiệp có diện tích giới hạn tối đa là 75 ha và thường hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông lâm thủy sản và tiểu thủ công nghiệp phục vụ nhu cầu địa phương. Trong khi đó, khu công nghiệp không bị giới hạn về quy mô và phạm vi lĩnh vực sản xuất.

Cụm công nghiệp là gì? Là một mô hình tương tự khu công nghiệp nhưng quy mô nhỏ hơn (Hình ảnh: CCN Nam Bình I - Phú Yên)
Cụm công nghiệp là gì? Là một mô hình tương tự khu công nghiệp nhưng quy mô nhỏ hơn (Hình ảnh: CCN Nam Bình I – Phú Yên)

2. Đặc điểm của cụm khu công nghiệp

Dựa trên khái niệm cụm khu công nghiệp là gì được quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị định 68/2017/NĐ-CP, các cụm công nghiệp có những điểm đặc trưng dưới đây:

  • Về diện tích của cụm công nghiệp: Diện tích của cụm công nghiệp sẽ từ 10 – 75 ha, tùy thuộc vào vị trí địa lý và mục tiêu phát triển kinh tế của địa phương. Riêng với khu vực miền núi và cụm công nghiệp làng nghề, diện tích được điều chỉnh trong khoảng 5 – 75 ha.
  • Về quy mô sản xuất: Cụm công nghiệp có quy mô sản xuất vừa và nhỏ, thường để phục vụ nhu cầu của địa phương.
  • Về hình thức kinh doanh của doanh nghiệp trong cụm công nghiệp: Các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp thường hoạt động theo dạng hợp tác và góp vốn chung giữa các nhà đầu tư và nhà máy nhỏ lẻ.

3. Thực trạng phát triển cụm công nghiệp tại Việt Nam

Tính đến cuối năm 2020, cả nước đã thành lập 968 cụm công nghiệp với tổng diện tích 30.912 ha. Trong số này, đã có hơn 730 cụm công nghiệp đi vào hoạt động và 450 cụm công nghiệp được doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng. Số cụm công nghiệp còn lại do các tổ chức và đơn vị chính phủ làm chủ đầu tư.

Trong giai đoạn 2020 – 2025, Bộ Công Thương đã định hướng cả nước sẽ có tổng cộng 1.704 cụm công nghiệp. Các cụm khu công nghiệp này sẽ có tổng diện tích 58.123 ha và phân bố đều tại các khu vực kinh tế trọng điểm trên cả nước.

Phần lớn các cụm công nghiệp trên cả nước là do các doanh nghiệp tư nhân đầu tư và phát triển (Hình ảnh: CCN Sơn Cẩm - Thái Nguyên)
Phần lớn các cụm công nghiệp trên cả nước là do các doanh nghiệp tư nhân đầu tư và phát triển (Hình ảnh: CCN Sơn Cẩm – Thái Nguyên)

3.1. Thực trạng phát triển cụm công nghiệp tại miền Bắc

Miền Bắc là khu vực đứng đầu về phát triển cụm khu công nghiệp trên cả nước. Theo định hướng tới năm 2025 của Bộ Công Thương, khu vực này sẽ có tổng cộng 765 cụm công nghiệp với tổng diện tích 24.395,2 ha.

Cụm khu công nghiệp Hương Sơn (tỉnh Bắc Giang) là cụm công nghiệp mới thành lập năm 2022
Cụm khu công nghiệp Hương Sơn (tỉnh Bắc Giang) là cụm công nghiệp mới thành lập năm 2022

Bắc Giang là một trong những tỉnh thành đứng đầu tại khu vực miền Bắc về phát triển cụm công nghiệp. Hiện nay, tỉnh có 31 cụm công nghiệp đang hoạt động và 14 cụm đang trong quá trình quy hoạch (tháng 4/2022). Với tỉ lệ lấp đầy trung bình đạt 64,5 %, các cụm công nghiệp này đã thu hút 230 dự án với tổng số vốn đăng ký là hơn 32.765 tỷ đồng.

3.2. Thực trạng phát triển cụm khu công nghiệp tại miền Trung

Miền Trung là khu vực xếp thứ hai cả nước về tổng diện tích đất cụm công nghiệp (15.864,1 ha). Phần lớn các cụm công nghiệp tại đây đều được nhà nước đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng với tỉ lệ lần lượt là 74,2% (khu vực Duyên hải miền Trung) và 82,9% (khu vực Tây Nguyên).

Cụm công nghiệp Nhơn Tân (Bình Định) có vốn đầu tư hơn 100 tỉ đồng
Cụm công nghiệp Nhơn Tân (Bình Định) có vốn đầu tư hơn 100 tỉ đồng

Bình Định là tỉnh thành nổi bật nhất về phát triển cụm công nghiệp tại miền Trung. Hiện tỉnh có 45 cụm khu công nghiệp đang hoạt động và 17 cụm đang chờ quy hoạch. Các cụm công nghiệp tại đây có tỉ lệ sử dụng diện tích trung bình đạt 58% và đóng góp khoảng 20% giá trị sản xuất công nghiệp và chiếm 36% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh trong năm 2022.

3.3. Thực trạng phát triển cụm khu công nghiệp tại miền Nam

Các cụm công nghiệp tại miền Nam có tổng quy mô diện tích là 14.586 ha. Phần lớn các cụm công nghiệp ở khu vực này đều có sự tham gia của chủ đầu tư tư nhân. Cụ thể, tại vùng Đông Nam Bộ chiếm 78,5% so với tổng số các cụm công nghiệp đã thành lập trong vùng và Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 71,7%.

Trước tốc độ công nghiệp hóa nhanh chóng, thị trường bất động sản cụm công nghiệp tại khu vực miền Nam vẫn còn nhiều dư địa phát triển trong tương lai (Hình ảnh: CCN Thanh Phú - Bình Phước)
Trước tốc độ công nghiệp hóa nhanh chóng, thị trường bất động sản cụm khu công nghiệp tại khu vực miền Nam vẫn còn nhiều dư địa phát triển trong tương lai (Hình ảnh: CCN Thanh Phú – Bình Phước)

Với thực trạng thị trường bất động sản khu công nghiệp có tỉ lệ cạnh tranh cao (tỉ lệ lấp đầy trung bình khoảng 90% và giá thuê đạt 159 USD/m2/chu kỳ thuê), cụm công nghiệp trở thành sự lựa chọn phù hợp cho các doanh nghiệp trong nước. Đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực thế mạnh của khu vực như chế biến nông lâm thủy sản, may mặc,…

4. Vai trò của cụm khu công nghiệp

Theo số liệu của Bộ Công Thương, tính đến năm 2021, các cụm công nghiệp đã tạo cơ hội việc làm cho 580.500 người dân địa phương và thu hút 13.468 dự án đầu tư sản xuất kinh doanh, tổng vốn đăng ký 316.428 tỷ đồng.

Theo định hướng của Chính phủ, cụm khu công nghiệp đang đóng vai trò vô cùng quan trọng trong phát triển kinh tế và đời sống nhân tại địa phương:

  • Thu hút vốn đầu tư, phát triển công nghiệp: Cụm công nghiệp là một trong những yếu tố hấp dẫn nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước để phát triển công nghiệp cho địa phương.
  • Tạo ra việc làm, cải thiện đời sống người dân: Cụm công nghiệp giúp cũng tạo ra việc làm ổn định, giải quyết tình trạng thất nghiệp cho người dân địa phương.
  • Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế: Cụm khu công nghiệp thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động tại các vùng nông thôn. Từ đó,  đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa diễn ra tại địa phương trên cả nước.
  • Đẩy mạnh các khu vực nông thôn phát triển theo hướng hiện đại hóa: Là một phiên bản thu nhỏ của khu công nghiệp, cụm công nghiệp sẽ tạo tiền đề quan trọng cho việc phát triển của các khu công nghiệp tại địa phương trong tương lai.

Sự phát triển của các cụm công nghiệp trên cả nước đã đóng góp một phần quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế – công nghiệp của nhiều địa phương. Đây cũng là “lực đẩy” quan trọng trong công cuộc đưa công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp và sản phẩm làng nghề truyền thống.

5. Ngành nghề thu hút đầu tư tại cụm công nghiệp

Theo chính sách của Chính phủ, các lĩnh vực được khuyến khích đầu tư tại cụm khu công nghiệp trên cả nước bao gồm:

  • Công nghiệp chế biến nông – lâm – thủy sản.
  • Sản xuất sản phẩm sử dụng nguyên liệu tại chỗ, sử dụng nhiều lao động.
  • Sản xuất sản phẩm, phụ tùng, lắp ráp và sửa chữa máy móc, thiết bị phục vụ nông nghiệp.
  • Cơ sở sản xuất áp dụng công nghệ tiên tiến, triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học, và đảm bảo thân thiện với môi trường.
Chế biến thủy sản là lĩnh vực tập trung phát triển của các cụm công nghiệp (Hình ảnh: Công ty Thủy sản Lenger Việt Nam tại CCN Ân Xá - Nam Định)
Chế biến thủy sản là lĩnh vực tập trung phát triển của các cụm công nghiệp (Hình ảnh: Công ty Thủy sản Lenger Việt Nam tại CCN Ân Xá – Nam Định)

6. Điều kiện thành lập và mở rộng cụm công nghiệp

6.1. Điều kiện thành lập cụm khu công nghiệp

Chính phủ luôn đề cao tính hiệu quả và tính bền vững trong quá trình phát triển cụm công nghiệp. Chính vì vậy, các cụm công nghiệp trước khi thành lập cần đáp ứng những điều kiện dưới đây:

  • Cụm công nghiệp thuộc quy hoạch phát triển cụm công nghiệp đã được Chính phủ phê duyệt.
  • Có khả năng lấp đầy doanh nghiệp hơn 30% sau 1 năm kể từ khi cụm khu công nghiệp được thành lập.
  • Đã có chủ đầu tư đủ khả năng phụ trách xây dựng cơ sở hạ tầng cho cụm công nghiệp.
Các cụm công nghiệp cần đáp ứng đầy đủ các yếu tố trên để được tiến hành thủ tục thành lập (Hình ảnh: CCN Diễn Thắng - Nghệ An)
Các cụm khu công nghiệp cần đáp ứng đầy đủ các yếu tố trên để được tiến hành thủ tục thành lập (Hình ảnh: CCN Diễn Thắng – Nghệ An)

6.2. Điều kiện mở rộng cụm công nghiệp

Sau thời gian hoạt động, chủ đầu tư có thể làm thủ tục mở rộng cụm công nghiệp nếu có nhu cầu mở rộng quy mô. Tuy nhiên, cụm công nghiệp cần đáp ứng được những yếu tố dưới đây để được phê duyệt mở rộng:

  • Tổng diện tích cụm khu công nghiệp sau khi mở rộng không vượt quá 75 ha. Ngoài ra, chủ đầu tư phải đảm bảo rằng quỹ đất này phù hợp với quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất tại cấp huyện.
  • Cụm công nghiệp cần có ít nhất một doanh nghiệp hoặc hợp tác xã đáp ứng đủ các yêu cầu về tư cách pháp lý, kinh nghiệm đóng vai trò đầu tư và xây dựng hạ tầng kỹ thuật.
  • Tỷ lệ sử dụng đất của cụm công nghiệp phải đạt ít nhất 60% hoặc chứng minh được nhu cầu thuê đất công nghiệp tại đây đang vượt quá diện tích đất hiện hữu.
  • Các cơ sở hạ tầng chung của cụm công nghiệp đã hoàn thành và được sử dụng thường xuyên theo đúng quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt.

7. Quy trình thành lập

7.1. Hồ sơ

Để thành lập cụm khu công nghiệp, bạn cần chuẩn bị bộ hồ sơ gồm các tài liệu sau:

  • Tờ trình đề nghị thành lập cụm công nghiệp từ Ủy ban nhân dân cấp huyện.
  • Văn bản đề nghị của chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp hoặc  đơn vị được giao nhiệm vụ xây dựng hạ tầng kỹ thuật, kèm theo Báo cáo đầu tư để thành lập cụm công nghiệp.
  • Bản sao giấy chứng nhận thành lập cụm công nghiệp hoặc tài liệu chứng minh về tư cách pháp lý của chủ đầu tư.
  • Bản sao của một trong các tài liệu sau đây: Báo cáo tài chính của 02 năm gần nhất của chủ đầu tư, cam kết hỗ trợ tài chính từ công ty mẹ hoặc tổ chức tài chính, bảo lãnh về năng lực tài chính của chủ đầu tư, hoặc tài liệu thuyết minh về năng lực tài chính của chủ đầu tư.
  • Các văn bản và tài liệu khác có liên quan đến quá trình thành lập cụm khu công nghiệp.
Doanh nghiệp khi thành lập cụm công nghiệp cần chuẩn bị các giấy tờ chứng minh tư cách pháp lý và năng lực tài chính (Hình ảnh: CCN Minh Quân - Yên Bái)
Doanh nghiệp khi thành lập cụm công nghiệp cần chuẩn bị các giấy tờ chứng minh tư cách pháp lý và năng lực tài chính (Hình ảnh: CCN Minh Quân – Yên Bái)

7.2. Trình tự thủ tục

Sau khi chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ cần thiết, nhà đầu tư cơ sở hạ tầng cần thực hiện các bước sau để hoàn thành thủ tục thành lập cụm công nghiệp:

  • Bước 1: Gửi văn bản đề nghị kèm theo Báo cáo đầu tư thành lập, mở rộng cụm khu công nghiệp: Chủ đầu tư gửi văn bản đề nghị thành lập hoặc mở rộng cụm công nghiệp và Báo cáo đầu tư tới Ủy ban nhân dân (UBND) cấp huyện nơi đặt cụm công nghiệp.
  • Bước 2: Lập hồ sơ: UBND cấp huyện sẽ phối hợp với chủ đầu tư để lập 8 bộ hồ sơ thành lập hoặc mở rộng cụm công nghiệp (trong đó ít nhất có 2 bộ hồ sơ gốc) và gửi Sở Công Thương để thẩm định.
  • Bước 3: Thẩm định hồ sơ: Sở Công Thương thẩm định các hồ sơ và hoàn thành sau 15 ngày làm việc kể từ ngày đầy đủ hồ sơ. Sau đó, báo cáo UBND cấp tỉnh về việc thành lập hoặc mở rộng cụm công nghiệp.
  • Bước 4: Quyết định thành lập, mở rộng cụm công nghiệp: Trong 5 ngày làm việc, UBND tỉnh sẽ đưa ra quyết định thành lập, mở rộng cụm công nghiệp. Thời gian này tính từ thời điểm đơn vị này nhận được hồ sơ và báo cáo thẩm định từ Sở Công Thương.

Cụm công nghiệp là một yếu tố quan trọng trong quá trình phát triển xã hội và kinh tế của đất nước, đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra việc làm cho người dân ở địa phương. Hy vọng bài viết của chúng tôi đã gửi đến bạn đọc những thông tin hữu ích về cụm khu công nghiệp là gì cũng như đặc điểm, thực trạng của cụm KCN hiện nay.

Đừng quên theo dõi https://dulongip.vn/ thường xuyên để cập nhật những tin tức mới nhất về thị trường bất động sản công nghiệp tại Việt Nam nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *