Hiện có 5 khu công nghiệp ở Bến Tre đang được quy hoạch và triển khai đầu tư với tổng diện tích hơn 900 ha. Mặc dù phát triển không quá nhanh như các tỉnh công nghiệp trọng điểm nhưng Bến Tre vẫn ghi dấu nhờ lợi thế hạ tầng sạch và quỹ đất rộng. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đánh giá từng khu công nghiệp cụ thể, nắm rõ ngành nghề thu hút đầu tư, tình trạng triển khai và định hướng mở rộng trong thời gian tới.
Tỉnh Bến Tre là điểm đến mới của nhiều doanh nghiệp với tiềm năng phát triển cao (Hình ảnh: KCN Phú Thuận)
Dưới đây là bảng tổng quan về 5 khu công nghiệp ở Bến Tre, bao gồm địa chỉ, thực trạng và ngành nghề chính của từng KCN:
Khu công nghiệp
Địa chỉ
Thực trạng
Ngành nghề chính
Giao Long
Xã An Phước, huyện Châu Thành.
Tình trạng: Đang hoạt động.
Quy mô: 164,3 ha.
Tỷ lệ lấp đầy: 100%.
May mặc, da giày; chế biến nông sản, thực phẩm; cơ khí, điện tử, thiết bị; bao bì, vật liệu đóng gói.
An Hiệp
Xã An Hiệp, huyện Châu Thành.
Tình trạng: Đang hoạt động.
Quy mô: 72 ha.
Tỷ lệ lấp đầy: 100%.
Chế biến nông, thủy sản và sản xuất thực phẩm.
Phú Thuận
Xã Phú Thuận và xã Long Định, huyện Bình Đại.
Tình trạng: Dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác từ năm 2025.
Quy mô: 231,78 ha.
Tỷ lệ lấp đầy: Đang cập nhật.
May mặc, dệt nhuộm; sản xuất năng lượng sạch; sản xuất giấy và bao bì; chế biến thực phẩm, nông thủy sản.
Giao Hòa
Xã Giao Long và xã Giao Hòa, huyện Châu Thành.
Tình trạng: Đang được tỉnh Bến Tre tìm kiếm và thu hút nhà đầu tư.
Quy mô: 249 ha.
Tỷ lệ lấp đầy: Đang cập nhật.
Công nghiệp điện - điện tử, công nghệ cao; dệt may, da giày; sản xuất hàng tiêu dùng; cơ khí chế tạo và sản xuất vật liệu xây dựng.
Phước Long
Xã Phước Long, huyện Giồng Trôm.
Tình trạng: Chưa triển khai hạ tầng.
Quy mô: 182,3 ha.
Tỷ lệ lấp đầy: Đang cập nhật.
Chế biến nông sản, cơ khí, điện, điện tử, sản xuất hàng tiêu dùng.
Khu công nghiệp Giao Long nằm tại xã An Phước, huyện Châu Thành, do Công ty Phát triển hạ tầng các khu công nghiệp Bến Tre làm chủ đầu tư. Tính đến nay, KCN Giao Long đã thu hút 35 dự án đầu tư, trong đó có 17 dự án vốn FDI với tỷ lệ lấp đầy đạt 100%.
KCN Giao Long có vị trí chiến lược khi tiếp giáp với Quốc lộ 57B, cách thành phố Bến Tre 10 km, thành phố Mỹ Tho 15km, thành phố Hồ Chí Minh khoảng 90km và sân bay Tân Sơn Nhất 86 km. Ngoài ra, khu công nghiệp này cách cảng Hiệp Phước 95 km và cảng Cát Lái 97 km, thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa.
Hình ảnh nhìn từ ngoài cổng KCN Giao Long
KCN Giao Long được đánh giá cao nhờ hệ thống hạ tầng đồng bộ, các tiện ích hỗ trợ sản xuất cũng được đầu tư đầy đủ, đáp ứng nhu cầu vận hành của doanh nghiệp. Chi phí thuê đất và hạ tầng tại đây ở mức hợp lý so với khu vực.
Tuy nhiên, khu công nghiệp vẫn tồn tại một số bất cập. Theo báo Đồng Khởi, năm 2019, người dân sống gần KCN phản ánh tình trạng bụi than phát tán gây ảnh hưởng môi trường sống. Theo VOV, đến ngày 12/9/2024, khu công nghiệp bị ngập sâu do hệ thống thoát nước không đáp ứng kịp và nền đất thấp hơn Quốc lộ 57B, gây khó khăn cho công nhân khi tan ca.
Tình trạng ngập sâu khi mưa lớn tại KCN Giao Long
Một trong những dự án đầu tư nổi bật tại KCN Giao Long là Công ty TNHH MTV Furukawa Automotive Systems Vietnam (FASV). Tính đến năm 2022, FASV sử dụng khoảng 1.700 lao động, đạt sản lượng 1.324 tấn và kim ngạch xuất khẩu gần 18,8 triệu USD – trở thành dự án FDI có quy mô nhân sự và đóng góp kinh tế lớn tại Bến Tre.
2. Khu công nghiệp An Hiệp
Khu công nghiệp An Hiệp đã được quy hoạch với tổng diện tích 72ha, bao gồm hai phân khu: Khu A phía Bắc rộng 65,01ha và khu B phía Nam rộng 6,99ha. Khu công nghiệp An Hiệp hiện đã được lấp đầy 100% diện tích với tổng cộng 16 dự án đầu tư, gồm 12 dự án trong nước với vốn đăng ký hơn 2.879 tỷ đồng và 4 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 146 triệu USD.
Về vị trí địa lý, KCN An Hiệp có kết nối thuận tiện với Quốc lộ 57C và tuyến giao thông đường thủy qua sông Hàm Luông. Khu công nghiệp này cách thành phố Bến Tre 13 km, thành phố Mỹ Tho 21 km, thành phố Hồ Chí Minh 91 km, sân bay Tân Sơn Nhất 97 km, và các cảng lớn như Hiệp Phước, Cát Lái khoảng 97 - 100 km.
An Hiệp được xem là một trong những khu công nghiệp ở Bến Tre phát triển hiệu quả
Công ty TNHH Chế biến Dừa Lương Quới là dự án đầu tư nổi bật tại KCN An Hiệp, chuyên sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm từ dừa như nước dừa đóng hộp, dầu dừa, cơm dừa sấy,...
Với dây chuyền sản xuất đạt chuẩn quốc tế, xuất khẩu sản phẩm sang nhiều thị trường lớn như Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc,... dự án đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao giá trị chuỗi dừa của tỉnh và mở rộng thị trường nông sản Việt ra quốc tế.
Nhà máy Công ty TNHH Chế biến Dừa Lương Quới trong KCN An Hiệp
KCN An Hiệp cung cấp các ưu đãi về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức 17% trong 10 năm đầu, cùng với chính sách miễn giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất và thuế sử dụng đất, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, theo báo Tài nguyên & Môi trường, khu công nghiệp cũng từng bị phản ánh liên quan đến vấn đề môi trường. Năm 2017, người dân xã An Hiệp cho biết một số doanh nghiệp trong KCN gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt của cộng đồng dân cư lân cận.
3. Khu công nghiệp Phú Thuận
Khu công nghiệp Phú Thuận nằm trên địa bàn xã Phú Thuận và xã Long Định, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre với tổng diện tích quy hoạch 231,78 ha. Hiện tại, khu công nghiệp đang trong giai đoạn đầu tư hạ tầng kỹ thuật và thu hút các nhà đầu tư thứ cấp, dự kiến đưa vào khai thác từ năm 2025.
Khu công nghiệp (KCN) Phú Thuận tọa lạc tại vị trí chiến lược, phía Nam giáp Quốc lộ 57B và phía Bắc tiếp giáp sông Cửa Đại, thuận lợi cho việc kết nối cả đường bộ và đường thủy.
Từ KCN, khoảng cách đến thành phố Bến Tre là 20km, đến thành phố Mỹ Tho là 26 km, và đến thành phố Hồ Chí Minh là 95 km. Ngoài ra, KCN còn cách sân bay Tân Sơn Nhất 103 km, cảng Hiệp Phước 104 km và cảng Cát Lái khoảng 110 km.
Tổng vốn đầu tư của dự án xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Phú Thuận vượt mức 3.539 tỷ đồng (Ảnh: Minh họa)
Hiện tại chưa có dự án thứ cấp nào chính thức triển khai tại KCN. Tuy nhiên, đã có 22 nhà đầu tư quan tâm và đăng ký nhu cầu thuê đất với tổng diện tích khoảng 142 ha, chiếm 85% diện tích đất có khả năng cho thuê. Các ngành nghề được quan tâm bao gồm may mặc, dệt nhuộm, chế biến nông thủy sản, sản xuất pin năng lượng mặt trời, giấy và bao bì giấy.
4. Khu công nghiệp Giao Hòa
KCN sở hữu vị trí chiến lược khi nằm gần tuyến tỉnh lộ 883 và tiếp giáp sông Tiền. Khoảng cách đến TP. Bến Tre là 10km, TP. Mỹ Tho khoảng 15km, cảng Hiệp Phước 94km, cảng Cát Lái 100km, TP.Hồ Chí Minh 85km và sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất khoảng 90km. Đồng thời, KCN cũng liền kề cảng Giao Long, tạo lợi thế lớn cho hoạt động logistics và vận chuyển hàng hóa.
Hiện tại, KCN Giao Hòa chưa có nhà đầu tư hạ tầng chính thức và chưa triển khai thi công. Tuy nhiên, quy hoạch hạ tầng đã được thiết kế đồng bộ với đường nội khu rộng đến 33m, có trạm biến áp 110KV/22KV công suất 40MVA, nguồn nước cung cấp 7.000 m³/ngày đêm và hệ thống xử lý nước thải tập trung 6.000 m³/ngày đêm. Các tiện ích đi kèm gồm hệ thống chiếu sáng, PCCC, cây xanh, viễn thông và thu gom rác thải.
KCN Giao Hòa được quy hoạch hạ tầng đồng bộ với đầy đủ tiện ích đi kèm
5. Khu công nghiệp Phước Long
Khu công nghiệp Phước Long nằm tại xã Phước Long, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre và hiện đang trong giai đoạn quy hoạch, chưa đầu tư hạ tầng. KCN này có vị trí thuận lợi, cách trung tâm thành phố Bến Tre khoảng 7 - 8 km, cảng Cát Lái 110 km và sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất 80 km, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa và kết nối với các khu vực kinh tế trọng điểm.
KCN Phước Long được quy hoạch với diện tích cây xanh lớn, thân thiện với môi trường
KCN Phước Long được đánh giá cao nhờ hệ thống giao thông nội bộ gồm đường chính 4 làn và đường nhánh 2 làn, hệ thống cấp điện từ hai tuyến đường dây 22kV, nguồn nước cung cấp từ hệ thống cấp nước của thành phố Bến Tre và rạch Cầu Đập cùng hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Ngoài ra, khu công nghiệp còn chú trọng đến việc phát triển hệ thống cây xanh theo tiêu chí xanh – sạch – đẹp, đảm bảo môi trường làm việc trong lành cho các doanh nghiệp và người lao động.
6. Tình hình hiện tại và định hướng khu công nghiệp ở Bến Tre
Bến Tre nằm ở vị trí tiếp giáp biển, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế biển và khai thác hiệu quả các tiềm năng từ hệ sinh thái rừng ngập mặn cũng như vùng nước lợ.
Lợi thế này góp phần thúc đẩy các ngành như chế biến thủy sản, phát triển năng lượng tái tạo và du lịch sinh thái. Bên cạnh đó, tỉnh còn có lực lượng lao động phong phú, với khoảng 30.000 người được đào tạo và giới thiệu việc làm mỗi năm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo hiện đạt 36%, cung ứng nguồn nhân lực có trình độ cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp.
Tuy vậy, tại một số khu công nghiệp như An Hiệp, hệ thống hạ tầng xã hội phục vụ người lao động vẫn chưa đồng bộ. Việc thiếu hụt các thiết chế văn hóa như trường mầm non, cơ sở y tế và trung tâm sinh hoạt cộng đồng đang ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của công nhân, đồng thời gây khó khăn trong việc thu hút và giữ chân lao động lâu dài.
Các KCN ở Bến Tre có tiện ích nội khu đồng bộ nhưng lại thiếu hụt các tiện ích ngoại khu (Hình ảnh: KCN Phú Thuận)
Trong giai đoạn 2026 - 2030, tỉnh Bến Tre định hướng phát triển công nghiệp theo hướng bền vững và hiện đại. Tỉnh tích cực kêu gọi đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, ưu tiên các nhà đầu tư có năng lực tài chính mạnh, chú trọng các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường và có giá trị gia tăng lớn.
Theo Quyết định số 76/QĐ-TTg ngày 12/1/2025, Bến Tre đặt mục tiêu phát triển 7 khu công nghiệp với tổng diện tích 1.372ha và 14 cụm công nghiệp với tổng diện tích 918ha đến năm 2030. Tỉnh cũng ưu tiên phát triển công nghiệp về hướng Đông, kết hợp với chương trình lấn biển 50.000ha để mở rộng không gian phát triển kinh tế và tạo quỹ đất mới cho thu hút đầu tư. Đồng thời, Bến Tre đang đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính và công nghệ tiên tiến để phát triển hạ tầng khu công nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động lâu dài và hiệu quả.
Bến Tre đang tích cực kêu gọi đầu tư hạ tầng khu công nghiệp cũng như thu hút các nhà đầu tư
Các khu công nghiệp ở Bến Tre đang từng bước được mở rộng cả về quy mô lẫn chất lượng hạ tầng, từ các KCN hoạt động ổn định như Giao Long, An Hiệp đến những dự án mới như Phú Thuận, Giao Hòa. Dù vẫn còn một số mặt hạn chế về hạ tầng xã hội, nhưng với định hướng phát triển rõ ràng giai đoạn 2026 - 2030, Bến Tre đang cho thấy quyết tâm trở thành điểm đến tiềm năng cho các nhà đầu tư công nghiệp trong và ngoài nước.
Truy cập ngay dulongip.vn để tìm hiểu thêm thông tin về quỹ đất, giá thuê, thủ tục pháp lý và cơ hội hợp tác đầu tư trong các khu công nghiệp trọng điểm của tỉnh Bến Tre nhé!
An Giang đang dần khẳng định vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển công nghiệp của Đồng bằng sông Cửu Long. Với 5 khu công nghiệp ở An Giang đang hoạt động, tỉnh này đã khẳng định vị thế là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài […]
Trong quá trình đầu tư và phát triển sản xuất tại các khu công nghiệp, việc lựa chọn loại đất phù hợp là yếu tố quan trọng quyết định tính ổn định lâu dài của doanh nghiệp. Việc nắm rõ đặc điểm của các loại đất trong khu công nghiệp sẽ giúp doanh nghiệp đảm […]