Khu công nghiệp phụ trợ là một trong những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của nền kinh tế. Nhằm góp phần hoàn thiện mục tiêu năm 2045 – trở thành nước có thu nhập trung bình cao, Việt Nam đang có những chính sách tập trung phát triển mô hình khu công nghiệp phụ trợ. Cùng chúng tôi cập nhật ngay 5 thông tin cần biết về khu công nghiệp phụ trợ năm 2024 trong bài viết dưới đây.
1. Tổng quan về mô hình khu công nghiệp phụ trợ
1.1. Định nghĩa
Khu công nghiệp phụ trợ là mô hình khu công nghiệp chuyên sản xuất các mặt hàng, sản phẩm để phục vụ cho việc sản xuất công nghiệp như bao bì, nguyên vật liệu,… Ngoài ra, khu công nghiệp phụ trợ còn cung ứng các dịch vụ của ngành công nghiệp hỗ trợ.
Khu công nghiệp phụ trợ có vai trò quan trọng trong việc phát huy tối đa tiềm năng của các ngành nghề trọng điểm, thu hút vốn đầu tư và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ngoài ra, phát triển các khu công nghiệp phụ trợ cũng giúp tạo ra công việc, giải quyết vấn đề thất nghiệp hiện nay.
1.2. Đặc điểm của mô hình khu công nghiệp phụ trợ
Mô hình khu công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam sẽ có những đặc điểm cơ bản như sau:
- Quy định về sử dụng diện tích đất: Ít nhất 60% diện tích của khu công nghiệp đó là các dự án đầu tư thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ.
- Tiêu chuẩn cơ sở hạ tầng: KCN hỗ trợ không có yêu cầu đặc biệt cho tiêu chí này tuy nhiên cũng cầu đáp ứng được chất lượng cơ sở hạa tầng như những KCN đa ngành bình thường như có hệ thống đường giao thông quốc lộ, hệ thống điện, nước đáp ứng được các hoạt động sản xuất cơ bản, có trang bị hệ thống phòng cháy chữa cháy đạt chuẩn,….
- Trang bị đầy đủ các tiện ích công cộng: KCN hỗ trợ có đầy đủ các tiện ích như nhà ở, tiện ích công cộng phục vụ cho người lao động.
1.3. Chính sách phát triển của mô hình khu công nghiệp phụ trợ
Theo Điều 31 Nghị định 35/2022/NĐ-CP, những chính sách bên dưới sẽ được áp dụng cho mô hình khu công nghiệp phụ trợ:
- Hỗ trợ chuyển đổi: Nhà nước có chính sách khuyến khích và hỗ trợ chuyển đổi đối với các khu công nghiệp có mong muốn chuyển đổi mô hình sang khu công nghiệp hỗ trợ (có thể chuyển đổi một phần hoặc toàn bộ).
- Hưởng các ưu đãi theo quy định: Mức hưởng ưu đãi còn tùy thuộc vào ngành, nghề và địa bàn đầu tư
- Hỗ trợ về thủ tục: Nhà nước có các chính sách rút ngắn quá trình hoàn thành thủ tục đối với các khu công nghiệp hỗ trợ.
- Cung cấp thông tin và hỗ trợ tư vấn: Các doanh nghiệp tham gia vào khu công nghiệp hỗ trợ sẽ được các cơ quan hành chính của Nhà nước hỗ trợ trong quá trình làm thủ tục, tư vấn theo mục tiêu của doanh nghiệp.
2. Chính sách riêng cho mô hình khu công nghiệp phụ trợ
Nhằm đẩy mạnh phát triển khu công nghiệp phụ trợ, Nhà nước có các chính sách riêng cho mô hình này. Chi tiết nội dung của các ưu đãi đã được chúng tôi hệ thống dưới đây:
2.1. Đối với dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng.
Chính sách riêng đối với dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng được nêu trong Nghị định 82/2018/NĐ-CP như sau:
- Miễn, giảm tiền thuê đất: Không vượt quá thời gian 70 năm.
- Ưu tiên vay vốn: Các dự án sẽ được ưu tiên vay vốn từ các nguồn như vay tín dụng đầu tư của Nhà nước hay vốn ưu đãi ODA.
- Ưu tiên trong việc xem xét cấp bảo lãnh của Chính phủ: Mục đích đẩy nhanh quá trình huy động nguồn vốn nước ngoài hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác..
2.2. Đối với dự án kinh doanh sản xuất trong khu công nghiệp hỗ trợ
Đối với các dự án kinh doanh sản xuất, Chính phủ hiện đang hỗ trợ rất nhiều các chính sách ưu đãi thực tế như:
- Ưu đãi về thuế: Theo Nghị định số 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ, doanh nghiệp tham gia vào KCN hỗ trợ sẽ được hưởng rất nhiều ưu đãi như miễn giảm đến 100% thuế nhập khẩu hàng hóa, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn giảm thuế VAT,…
- Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền hỗ trợ quá trình hoàn thành thủ tục xác nhận ưu đãi trong vòng tối đa 30 ngày: Một số sản phẩm thuộc danh mục ưu tiên theo quy định của pháp luật về phát triển công nghiệp hỗ trợ, như xơ thiên nhiên, xơ tổng hợp, sợi dệt kim,… thuộc ngành hàng dệt – may hay vải giả da, da muối thuộc ngành da – giày sẽ được áp dung ưu đãi này.
- Được ưu tiên tham gia các hoạt động do Nhà nước tổ chức như: Các nhà đầu tư sẽ được tham gia các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, chương trình đào tạo, chương trình hỗ trợ khởi nghiệp,… giúp định hướng doanh nghiệp phát triển nhanh và đúng hướng.
3. Thực trạng mô hình khu công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam
Đến hết năm 2023, Việt Nam chỉ có khoảng 09 khu công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, có 03 KCN hỗ trợ ở phía Bắc và 06 KCN hỗ trợ ở khu vực phía Nam. Có thể thấy, mô hình khu công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam chưa được phổ biến, chiếm chưa tới 0,2% so với tổng KCN cả nước – đây là một con số rất thấp.
Năm 2009, dự án Khu công nghiệp hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản khởi công. Đây là kết quả của chương trình hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Nhật Bản và cũng là khu công nghiệp phụ trợ đầu tiên tại Việt Nam.
KCN hỗ trợ này được xây dựng trực tiếp tại KCN Quế Võ mở rộng với diện tích khá khiêm tốn – 16ha. Cụ thể, KCN Quế Võ được biết đến là điểm thu hút các nhà đầu tư từ Nhật Bản và có tốc độ phát triển khá nhanh trong khoảng thời gian đó.
Một vài điểm sáng của mô hình KCN phụ trợ gần đây là Dự án Đồng Văn III với trị giá hơn 2300 tỷ đồng, được ký Quyết định số 1439/QĐ-TTG về chủ trương đầu tư xây dựng. Bên cạnh đó, KCN hỗ trợ Hanssip tại thủ đô Hà Nội cũng vừa đón dự án mới với tổng vốn đầu tư lên đến 125 triệu USD.
4. Mục tiêu phát triển khu công nghiệp phụ trợ tới năm 2045
Trước bối cảnh hội nhập kinh tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam hướng tới nền công nghiệp tự chủ tự cường. Bên cạnh khả năng phát triển của công nghiệp đa ngành, phát huy mô hình công nghiệp phụ trợ là nút thắt giảm phụ thuộc nhập khẩu từ nước ngoài, góp phần nâng cao sức cạnh tranh trong chuỗi sản xuất của Việt Nam.
Để giải quyết thực trạng giá trị gia tăng của các Khu công nghiệp hỗ trợ đang khá thấp, Cục Công nghiệp cho biết, cần nâng cao năng lực sản xuất của các doanh nghiệp phụ trợ; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các KCN phụ trợ và đưa ra các đề án xây dựng phù hợp. Chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ thương mại diễn ra tạo điều kiện cho các khu công nghiệp hỗ trợ tiếp cận với những doanh nghiệp tiêu biểu.
Ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Hà Nội cũng đưa ra kiến nghị Nhà nước cần có quy hoạch KCN hỗ trợ chuyên sâu tại 03 miền Bắc – Trung – Nam.
Đặc biệt tại khu vực phía Nam, UBND TPHCM đã xây dựng đề án chuyển đổi thí điểm KCN phụ trợ. Mục tiêu dự án này để đáp ứng ngành công nghệ cao, đáp ứng cho sản xuất của doanh nghiệp trong khu vực và cả nước.
5. Tiêu chí thành lập khu công nghiệp phụ trợ
1- Đối với nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, cần có 3 tiêu chí thành lập chính:
- Đảm bảo các điều kiện về bất động sản theo pháp luật.
- Nhà đầu tư xác định cụ thể các ngành, nghề công nghiệp hỗ trợ trong khu công nghiệp được ưu tiên phát triển và thu hút đầu tư theo quy định của Chính phủ.
- Đảm bảo điều kiện để Nhà nước giao, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất phải theo quy định của pháp luật.
2- Đối với các doanh nghiệp trong khu công nghiệp: Doanh nghiệp trong khu công nghiệp hỗ trợ phải thuộc các nhóm ngành, nghề công nghiệp hỗ trợ được nhà đầu tư cam kết cụ thể trong hồ sơ dự án.
3- Đối với các khu công nghiệp, cần có 2 tiêu chí thành lập chính:
- Khu công nghiệp tuân thủ theo quy định về quy hoạch của Nhà nước
- Ít nhất 60% diện tích đất cho thuê là các dự án thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ.
Trong tương lai, mô hình KCN phụ trợ sẽ càng có những bước tiến mới khi là trọng tâm phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Mô hình này sẽ nâng cao vị thế cạnh tranh của công nghiệp đa ngành tại thị trường Việt Nam. Đừng quên truy cập vào https://dulongip.vn/ để tìm hiểu thêm các thông tin xoay quanh bất động sản công nghiệp tại Việt Nam nhé!