Thiết kế nhà xưởng công nghiệp theo tiêu chuẩn là bước quan trọng đảm bảo nhà xưởng được hình thành đúng công năng. Việc thiết kế đạt chuẩn đòi hỏi kinh nghiệm và hiểu biết về ngành nghề khá cao. Do đó, không phải nhà đầu tư nào cũng nắm vững kiến thức này. Trong bài viết dưới đây, Du Long sẽ mang đến cho bạn 4 điều cần biết về thiết kế nhà xưởng mới nhất 2024!
1. 6 tiêu chuẩn thiết kế xưởng công nghiệp 2024
1.1. Thiết kế nền nhà xưởng
Theo TCVN 2737:1995, khi thiết kế nền nhà xưởng công nghiệp, chủ đầu tư nhà xưởng và đơn vị thiết kế cần đáp ứng những yêu cầu sau:
- Trường hợp nền đất yếu: Áp dụng biện pháp xử lý nền phù hợp theo địa chất.
- Kết cấu nền: Phù hợp với công nghệ và điều kiện sử dụng. Các dạng nền thường sử dụng bao gồm:
- Nền bê tông, bê tông cốt thép, bê tông atphan,…
- Nền lát gạch xi măng.
- Nền lát ván.
- Nền lát gỗ, chất dẻo.
- Nền thép.
- Mặt nền: Trang bị lớp lót cứng, hệ thống thoát nước theo quy định. Thiết kế mặt nền phải cao hơn so với móng. Tùy thuộc vào đặc điểm cột mà độ chênh lệch giữa mặt nền và móng cũng khác nhau như sau: 0.2m (cột thép); 0.15m (cột bê tông cốt thép) và 0.5m (cột khung chèn tường).
- Nền hè: Chiều rộng 0.2-0.8m và độ dốc của hè: 1-3%
Hiện nay, đa số kết cấu nền nhà xưởng công nghiệp đều là nền bê tông. Khi đó, thiết kế nền phải chia thành từng ô và đáp ứng:
- Chiều dài ô: Tối đa 0.6m.
- Độ dày lớp lót bê tông: 0.1m.
- Mạch chèn ô: sử dụng bi tum.
1.2. Thiết kế móng nhà xưởng
Móng nhà xưởng được xem như “bệ đỡ” cho toàn bộ kiến trúc nhà xưởng, đảm bảo nhà xưởng được hình thành ổn định và bền vững. Do đó, chủ đầu tư, kiến trúc sư và nhà thầu xây dựng cần đảm bảo thiết kế móng nhà xưởng đúng tiêu chuẩn, kiểm duyệt trước khi quyết định thi công.
Theo TCVN 10304:2014, thiết kế móng nhà xưởng công nghiệp cần phải cân nhắc, tính toán phù hợp với các yếu tố:
- Kết quả khảo sát công trình xây dựng nhà xưởng.
- Tài liệu, khả năng động đất của khu vực.
- Công năng, cấu trúc công nghệ và điều kiện sử dụng nhà xưởng.
- Tải trọng tác động lên nền cần tuân theo quy định trong TCVN 2737 :1995.
- Yêu cầu về sinh thái, điều kiện tự nhiên của khu vực xây dựng nhà xưởng.
- Phương án thiết kế khả thi với điều kiện kinh tế – kỹ thuật của chủ đầu tư nhà xưởng.
Một vài điểm quan trọng khi thiết kế móng theo từng trường hợp cần chú ý như sau:
- Cột có khe co giãn/mở rộng: Móng phải thiết kế chung cho hai cột liền kề nhau.
- Tường gạch, tường xây, đá hộc không có khung kết cấu: Móng phải có chiều sâu không lớn hơn 15cm. Trường hợp này cần thiết kế dầm đỡ tường với yêu cầu mặt nền cao hơn mặt trên dầm đỡ ít nhất là 3cm.
- Môi trường nhiệt độ cao, ăn mòn: Móng phải sử dụng vật liệu chịu nhiệt, vật liệu chống ăn mòn tùy trường hợp.
- Đặc điểm thủy văn: Móng được thiết kế có thể là móng đơn, móng băng, móng cọc, móng bè,… cho phù hợp đặc điểm.
1.3. Thiết kế mái nhà xưởng và cửa mái
Thiết kế mái và cửa mái nhà xưởng đúng kỹ thuật quy định sẽ giúp nhà xưởng khi đưa vào hoạt động có độ bền, chịu được điều kiện thời tiết và cung cấp đầy đủ nguồn sáng cần thiết. Từ đó, mang đến môi trường làm việc an toàn cho người lao động. Để thiết kế mái, cửa mái bên thiết kế cần dựa trên các tiêu chuẩn như sau:
Tiêu chuẩn thiết kế độ dốc mái phù hợp với chất liệu chọn làm mái, cụ thể như sau:
- Tấm lợp amiang xi măng: 30% – 40%
- Tôn: 15% – 20%.
- Ngói: 50% – 60%.
- Bê tông cốt thép: 5%- 8%. Trường hợp này, mái cũng cần trang bị khe nhiệt chống thấm với khoảng cách khe là 24m dọc theo chiều nhà xưởng.
Tiêu chuẩn thiết kế hệ thống thoát nước mưa phần mái nhà xưởng phù hợp với từng đặc điểm lợp mái, cụ thể:
- Mái nhiều nhịp: Thiết kế hệ thống thoát nước mưa phần mái ở trong hoặc ngoài tùy vào vật liệu làm mái. Tuy nhiên, phải đảm bảo hệ thống thoát nước mưa dựa theo hệ thống thoát nước chung của toàn nhà xưởng công nghiệp.
- Mái một nhịp: Thiết kế hệ thống thoát nước mưa phần mái lúc này không cần thiết vì nước mưa sẽ chảy tự do theo nền mái. Thay vào đó, chủ đầu tư có thể xem xét thiết kế máng dẫn nước mưa cho các cột nhà cao từ 5.5m trở lên.
Tiêu chuẩn về thiết kế cửa mái đối với các loại cửa mái, cụ thể:
- Cửa mái hỗn hợp: Thiết kế cửa mái phải lắp kính thẳng đứng với độ dày lớn hơn 3mm, chiều dài cửa mái nhỏ hơn 84m và đặt lùi ít nhất 1 bước cách cột đầu nhà. Đặc biệt, với các loại cửa mái hỗn hợp, không được chứa các thiết bị tỏa nhiệt, chất động vì nguy cơ nguy hiểm cao.
- Cửa mái thông gió với các nhà xưởng công nghiệp ẩm: Thiết kế cửa mái phải có mái đua để chống mưa không lớn hơn 15 độ trong điều kiện bình thường. Nếu trường hợp có nan chớp nghiêng phía trên thì góc chống mưa có thể là 45 độ. Điểm đặc biệt cần lưu ý là vật liệu làm nan chớp phải đảm bảo độ bền, không dễ vỡ.
Một số trường hợp đặc biệt cần lưu ý khi thiết kế mái nhà xưởng công nghiệp:
- Trường hợp không làm cửa mái: Áp dụng với nhà xưởng công nghiệp có chiếu sáng tự nhiên qua mặt tường vẫn đảm bảo đáp ứng yêu cầu chiếu sáng theo Thông tư 22/2016/BYT và các quy định khác. Đặc biệt, nhà xưởng áp dụng không được chứa các thiết bị tỏa nhiệt, hơi ẩm và chất độc gây nguy hiểm.
- Trường hợp làm cửa mái thông gió: Áp dụng với nhà xưởng công nghiệp có hoạt động sinh nhiều nhiệt, hơi ẩm cao và chất độc hại gây nguy hiểm.
- Trường hợp không lắp kính cho cửa mái: Áp dụng với nhà xưởng công nghiệp chỉ yêu cầu thông gió, mái chống mưa hắt.
1.4. Thiết kế tường và vách ngăn nhà xưởng
Giai đoạn thiết kế tường và vách ngăn cho nhà xưởng công nghiệp cần cân nhắc đến các yếu tố như kích thước nhà xưởng, mục đích sử dụng, độ bền vật liệu và mong muốn của chủ đầu tư nhà xưởng.
Tiêu chuẩn về thiết kế tường nhà xưởng công nghiệp:
- Lựa chọn loại tường phù hợp: Có nhiều loại tường hiện nay trên thị trường như tường chịu lực, tường chèn khung, tường tự chịu lực… với các vật liệu sử dụng như bê tông cốt thép, đá tự nhiên,… Việc lựa chọn loại tường nào sẽ tùy thuộc vào mong muốn chủ đầu tư, công năng sử dụng và cơ cấu nhà xưởng.
- Chân tường chống thấm nước: Hầu hết các nhà xưởng công nghiệp hiện nay đều lựa chọn chân tường chống thấm nước dù đây không phải là điều bắt buộc. Điều này sẽ giúp ngắn chặn nước mưa thấm vào nhà xưởng, bảo vệ an toàn tài sản và chống ăn mòn hàng hóa. Ngoài ra, lớp chống ẩm chân tường phải được làm bằng vữa xi măng mác 75 và có chiều dày 20cm, đặt tại cao độ của mặt nền.
Tiêu chuẩn về thiết kế vách ngăn cho nhà xưởng:
- Vật liệu phù hợp loại nhà xưởng: Các loại vật liệu thường dùng làm vách ngăn như tấm bê tông cốt thép, gỗ, ván ép, lưới thép,….
- Vách ngăn có khả năng tháo lắp: Đây là tiêu chí lựa chọn của hầu hết nhà xưởng thông minh, hiện đại. Các vách ngăn dễ dàng tháo lắp sẽ giúp doanh nghiệp linh hoạt và thay đổi nhanh chóng bố trí khu vực nhà xưởng khi cần thiết.
- Chiều cao cột nhỏ hơn 6m: Đối với mỗi nhịp nhà xưởng tối đa 12m, giúp đảm bảo độ an toàn, độ bền, ổn định trong suốt quá trình sử dụng.
→ Để đánh giá hệ thống chiếu sáng của nhà xưởng có đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường làm việc an toàn và hiệu quả cho người lao động hay không, bạn đọc có thể tham khảo chi tiết trong bài viết “tiêu chuẩn ánh sáng nhà xưởng“.
1.5. Thiết kế cửa đi và cửa sổ
Tuy không phải là giai đoạn phức tạp như những thiết kế khác, thiết kế cửa đi và cửa sổ cũng cần đảm bảo đáp ứng yêu cầu của từng loại nhà xưởng, phù hợp với số lượng người sử dụng và công năng nhà xưởng. Dưới đây là một số tiêu chuẩn thiết kế cửa đi và cửa sổ nhà chủ đầu tư nhà xưởng cần biết:
Tiêu chuẩn thiết kế cửa đi:
- Chiều cửa: Chiều mở cửa từ trong ra ngoài.
- Kích thước: Tùy thuộc theo kích thước của loại hình vận tải thường xuyên ra vào trong hoạt động của nhà xưởng công nghiệp.
Tiêu chuẩn thiết kế cửa sổ:
- Trường hợp chiều cao dưới 2.4m tính từ mặt sàn: Cửa sổ trường hợp này cần phải đảm bảo đóng/mở dễ dàng. Hầu hết các cửa sổ nhà xưởng thông thường đều áp dụng loại cửa sổ dưới 2.4m.
- Trường hợp chiều cao trên 2.4m tính từ mặt sàn: Thiết kế cửa sổ cần có thêm khung cố định, bảo đảm an toàn trong mọi trường hợp thời tiết như bão, lũ, gió mạnh. Bên cạnh đó, cửa sổ trường hợp này cũng cần trang bị cánh cửa kẹp chặt, đóng/mở bằng cơ khí.
1.6. Thiết kế khác
Bên cạnh những tiêu chuẩn thiết kế cơ bản trên đây, chủ đầu tư nhà xưởng thường “bỏ quên” các tiêu chí thiết kế cực kỳ quan trọng, bao gồm thiết kế điện, PCCC và chống sét. Dưới đây là phân tích chi tiết các yếu tố, bao gồm:
- Về thiết kế điện: Hệ thống điện nhà xưởng công nghiệp cần đảm bảo đáp ứng yêu cầu an toàn kỹ thuật điện, thiết kế mạng điện cao áp, hạ áp đúng tiêu chuẩn,… Đảm bảo điện sản xuất nhà xưởng được thiết kế phù hợp với công năng và an toàn cho người lao động. Để biết thêm thông tin về tiêu chuẩn thiết kế điện nhà xưởng mới nhất năm 2024, bạn đọc có thể tham khảo ngay tại bài viết “tiêu chuẩn thiết kế điện trong nhà xưởng”.
- Về thiết kế PCCC: Nhà xưởng khi thiết kế hệ thống PCCC phải đảm bảo phù hợp với loại đám cháy, khối lượng chất cháy trong nhà xưởng và tính chất nguy hiểm. Ngoài ra, thiết kế PCCC cũng cần xác định vị trí cụ thể thiết bị chữa cháy, hệ thống báo cháy, biển báo hiệu, lối thoát hiểm và đội PCCC cơ sở. Đảm bảo thiết kế PCCC của nhà xưởng công nghiệp tuân thủ theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP.
→ Để biết thêm thông tin về quy định thiết kế hệ thống PCCC nhà xưởng, bạn đọc có thể tham khảo ngay tại bài viết: “Quy định về PCCC nhà xưởng mới nhất năm 2024”.
- Về thiết kế hệ thống chống sét: Thiết kế hệ thống chống sét phải thể hiện được vị trí thanh sét và các thiết bị xả sét. Ngoài ra, thiết kế cần phải đảm bảo hệ thống chịu được tần số và năng lượng của sét có thể xảy ra. Đảm bảo hệ thống đủ an toàn cho nhà xưởng và người lao động khi trời có sét.
2. 3 bước thiết kế nhà xưởng công nghiệp
2.1. Bước 1: Khảo sát thực tế và đưa ra phương án xây dựng
Thực hiện công tác khảo sát thực tế không những mang đến các số liệu chính xác về địa hình, đặc điểm đất mà còn là bước đệm để lên phương án xây dựng tối ưu nhất. Trên thực tế, bước này được thực hiện bởi những người có chuyên môn, hiểu biết về ngành nghề cao như đơn vị thiết kế/nhà thầu xây dựng để đảm bảo công tác khảo sát diễn ra chính xác nhất. Quy trình thực hiện khảo sát và đưa ra phương án xây dựng sẽ bao gồm:
- Khảo sát địa điểm nhà xưởng: Nhà thầu/bên thiết kế sẽ đến trực tiếp đến khu vực nhà xưởng công nghiệp để đánh giá về địa chất, mặt bằng, cơ sở hạ tầng có sẵn, điều kiện tự nhiên và đo đạc số liệu. Đồng thời, xem xét các khu vực địa hình lân cận để cân nhắc mức độ ảnh hưởng xung quanh nhà xưởng khi tiến hành thi công.
- Phân tích mục đích sử dụng và công năng nhà xưởng: Sau khi khảo sát thực tế, nhà thầu/đơn vị thiết kế cần kết hợp với mục đích, công năng sử dụng của nhà xưởng để đưa ra phương án thiết kế phù hợp.
- Đưa ra phương án xây dựng nhà xưởng: Nhà thầu/ đơn vị thiết kế sẽ đưa ra phương án xây dựng cho chủ đầu tư nhà xưởng, đảm bảo tối ưu về bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy, xử lý nước thải,… theo đúng quy định. Trong đó, bao gồm cả phương án về công nghệ, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, dự toán chi phí và các vấn đề liên quan.
- Thiết kế kết cấu móng nhà xưởng: Phần móng nhà xưởng cần được thiết kế phù hợp với điều kiện địa chất của nhà xưởng và cả khu vực lân cần. Bước này cần được thực hiện, tính toán sớm vì là “bệ đỡ” cho toàn bộ công trình bên trên.
2.2. Bước 2: Thiết kế bản vẽ sơ bộ cho nhà xưởng công nghiệp
Sau khi đã có kết quả khảo sát thực tế hiện trạng công trình, nhà thầu/đơn vị thiết kế sẽ cụ thể ý tưởng bằng thiết kế bản vẽ sơ bộ cho nhà xưởng công nghiệp. Đồng thời, bản vẽ sơ bộ cũng giúp chủ đầu tư dễ hình dung hơn về nhà xưởng hình thành sẽ như thế nào.
Bản vẽ cơ sở sẽ khác nhau tùy vào loại hình nhà xưởng, dây chuyền công nghệ, quy mô nhà xưởng. Tuy nhiên, nhìn chung bản vẽ sơ bộ cho nhà xưởng công nghiệp sẽ bao gồm những hạng mục cơ bản như:
- Mặt bằng quy hoạch.
- Mặt bằng từng khu vực.
- Phối cảnh 3D
- Hệ thống đường nội bộ
- Lối thoát hiểm, hệ thống PCCC.
- Hạng mục khác.
2.3. Bước 3: Thiết kế chi tiết cho nhà xưởng công nghiệp.
Bản vẽ sơ bộ sẽ được duyệt bởi chủ đầu tư nhà xưởng và đơn vị thi công để đảm bảo tính khả thi khi thực hiện. Sau đó, kiến trúc sư sẽ hoàn thiện chi tiết các hạng mục như kết cấu, vật liệu, và chi phí dự trù, giúp chủ đầu tư kiểm soát ngân sách và đảm bảo thi công đúng kế hoạch.
Song song với giai đoạn này, chủ đầu tư nhà xưởng công nghiệp cũng cần chuẩn bị các hồ sơ cần thiết để xin cấp giấy phép xây dựng từ các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Trong đó, thiết kế phòng cháy chữa cháy cũng là một trong những hạng mục quan trọng cần được phê duyệt trước khi thi công nhà xưởng.
3. 6 Lưu ý khi thiết kế nhà xưởng công nghiệp
Để quá trình thiết kế nhà xưởng công nghiệp diễn ra nhanh chóng và đạt hiệu quả nhất, khi thiết kế cần lưu ý đến những vấn đề sau đây:
- Đảm bảo sơ đồ công năng phù hợp: Không phải một nhà xưởng hoành tráng là một nhà xưởng tốt. Do đó, điều kiện tiên quyết khi thiết kế nhà xưởng là đảm bảo đáp ứng đúng nhu cầu sử dụng của chủ đầu tư. Thiết kế hợp lý theo đúng công năng nhằm giúp tối ưu hóa dây chuyền sản xuất và tăng năng suất lao động.
- Tối ưu các giải pháp kinh tế và kỹ thuật: Thứ hai, việc lựa chọn các giải pháp kinh tế và kỹ thuật sao cho phù hợp mục đích, công năng và địa hình khu đất cũng là lưu ý quan trọng. Theo đó, tính toán kinh tế và kỹ thuật cần được thực hiện từ giai đoạn đầu, đảm bảo cân nhắc kỹ lưỡng để tối ưu hóa chi phí và sử dụng kỹ thuật, nguyên vật liệu thích hợp.
- Đảm bảo tính thẩm mỹ nhà xưởng: Với xu hướng phát triển nhộn nhịp của thị trường nhà xưởng hiện nay, việc xây dựng nhà xưởng không thể bỏ qua yếu tố thẩm mỹ và hiện đại. Thiết kế nhà xưởng với tính thẩm mỹ cao mang đến nhiều lợi ích như: độ nhận diện thương hiệu, nâng cao sự hài lòng khi làm việc và truyền cảm hứng công việc cho người lao động tốt hơn.
- Phân chia phù hợp mật độ không gian: Thiết kế nhà xưởng cần cân nhắc phân chia mật độ không gian cho phù hợp với từng khu vực sản xuất, tận dụng tối đa tài nguyên của khu đất. Ví dụ như dây chuyền sản xuất nên đặt ở đâu, lối đi vận chuyển nên đặt ở đâu cho thuận tiện lấy hàng hóa,..
- Đảm bảo tính an toàn: Tính an toàn là điều kiện hàng đầu khi thiết kế nhà xưởng, bao gồm cả an toàn khi thi công và an toàn khi đưa vào hoạt động.
- Khả năng cải tạo, mở rộng trong tương lai: Bên cạnh các lưu ý thường gặp, khi thiết kế cũng cần tính toán đến khả năng cải tạo, mở rộng nhà xưởng trong tương lai. Điều này là cực kỳ cần thiết vì có thể tiết kiệm khá nhiều chi phí “đập đi xây lại” khi doanh nghiệp có ý định mở rộng nhà xưởng sau này.
Đảm bảo những lưu ý trên, nhà xưởng công nghiệp sẽ được xây dựng tối ưu nhất cả về công năng, thẩm mỹ và dự kiến cải tạo cho chủ đầu tư nhà xưởng công nghiệp.
4. [Gợi ý] 5 mẫu nhà xưởng công nghiệp phổ biến nhất
4.1. Nhà xưởng công nghiệp thép tiền chế
Nhà xưởng thép tiền chế loại loại nhà xưởng cấu tạo từ thép rời và lắp đặt dựa theo bản vẽ thiết kế đã lên. Quá trình hoàn thiện loại nhà xưởng này thường bao gồm 3 giai đoạn thiết kế, gia công cấu kiện tại nhà máy và đem tới lắp đặt hoàn thiện tại công trình xây dựng.
Loại nhà xưởng thép tiền chế có nhiều ưu điểm nổi bật như:
- Lắp ráp nhanh chóng, đơn giản: Gia công trực tiếp tại nhà máy, khung thép tiền chế dễ dàng lắp ráp. Đồng thời, các bước lắp ráp cũng đơn giản, thực hiện nhanh chóng bởi các thợ có tay nghề.
- Tính linh hoạt cao: Khi có nhu cầu mở rộng hoặc cải tạo nhà xưởng hoặc thay đổi địa điểm, chủ đầu tư thường tiết kiệm được khá nhiều chi phí đập đi xây lại mà chỉ cần di chuyển khung thép dễ dàng.
- Phù hợp với địa chất không chắc chắn: Đây là ưu điểm nổi bật của loại nhà xưởng này khi chịu được địa chất không chắc chắn, nền đất dẻo. Điều này dựa vào đặc tính nhẹ, đồng bộ cao của khung nhà xưởng nên áp lực xuống nền móng cũng giảm đi. Nhà xưởng không quá ảnh hưởng dù ở địa hình đất không được lý tưởng.
- Tiết kiệm chi phí: So với những nhà xưởng như bê tông cốt thép, nhà xưởng thép tiền chế có mức chi phí “êm ái” hơn. Do đó, chủ đầu tư cũng tiết kiệm được khá nhiều chi phí khi lựa chọn loại nhà xưởng này.
- Tính bền vững theo thời gian: Nhà xưởng thép tiền chế với tính bền vững cao khi chịu được mối mọt, rỉ sét dưới các áp lực của thời tiết, điều kiện môi trường.
Với những ưu điểm trên, nhà xưởng thép tiền chế sẽ là lựa chọn lý tưởng cho những chủ đầu tư có ngân sách hạn chế hoặc mục đích sử dụng nhà xưởng quy mô nhỏ, vừa. Ví dụ như nhà xưởng chế biến thực phẩm, gia công cơ khí,…
4.2. Nhà xưởng công nghiệp bê tông cốt thép
Như cái tên nhà xưởng công nghiệp bê tông cốt thép, đây là loại nhà xưởng sử dụng vật liệu bê tông cốt thép để xây dựng. Quy trình thi công loại nhà xưởng này thường bao gồm 5 giai đoạn như: thi công nền, dựng cột bê tông, khung thép, tường bao và làm mái. Bạn đọc có thể tham khảo thêm về “quy trình thi công nhà xưởng” để hình dung được các giai đoạn hình thành nên nhà xưởng KCN.
Ưu điểm của nhà xưởng công nghiệp bê tông cốt thép bao gồm:
- Nhà xưởng có độ bền cao: Nhà xưởng bê tông cốt thép có độ bền tương đối cao với lớp vật liệu có mức chống chịu, bảo vệ toàn công trình trước mọi điều kiện thời tiết.
- Chịu lực tốt: Nhắc tới nhà xưởng bê tông cốt thép là nhắc tới độ chịu lực cực kỳ cao. Sử dụng kết cấu vật liệu từ bê tông cốt thép và quá trình thi công độ nén chuẩn xác, nhà xưởng bê tông cốt thép có một nền móng vững chắc, chịu lực tốt ở mọi điều kiện áp lực.
- Khả năng chịu nhiệt, chống ăn mòn tốt: So với nhà xưởng thép tiền chế, nhà xưởng bê tông cốt thép chịu nhiệt và chống ăn mòn khá tốt. Khi có xảy ra hỏa hoạn hoặc sự cố, mức độ hư hại của loại nhà xưởng này cũng thấp hơn khá nhiều.
Loại nhà xưởng này thường phù hợp với những chủ đầu tư có mục đích sử dụng nhà xưởng quy mô lớn, sử dụng nhiều máy móc cho quá trình hoạt động. Một vài nhóm ngành thường chọn loại nhà xưởng này như may mặc, lắp ráp linh kiện,…
4.3. Nhà xưởng công nghiệp nhiều tầng
Nhà xưởng nhiều tầng là loại nhà xưởng được ưa chuộng hiện nay với kết cấu từ 2 tầng trở lên. Vật liệu sử dụng hoàn thiện nhà xưởng có thể tùy thuộc vào nhu cầu chủ đầu tư, có thể là bê tông, thép,… Quy trình thi công nhà xưởng nhiều tầng cũng bao gồm 5 bước như: thi công nền, thi công tầng, thi công mái và tường bao.
Nhà xưởng nhiều tầng sở hữu các ưu điểm sau đây:
- Tiết kiệm quỹ đất: Với sự kết hợp nhiều tầng, nhà xưởng cho phép chủ đầu tư tối ưu hóa không gian theo chiều thẳng đứng, tiết kiệm được chi phí phải bỏ ra cho việc mở rộng quỹ đất.
- Thuận tiện trong quá trình quản lý: Thay vì di chuyển khoảng cách xa giữa các phân xưởng, nhà xưởng nhiều tầng giúp nhà quản lý kiểm soát hiệu quả hơn các dây chuyền sản xuất.
- Tính thẩm mỹ cao: Nhà xưởng nhiều tầng là sự kết hợp đầy đủ các hệ thống cần thiết mà vẫn đảm bảo tối ưu cho hoạt động sản xuất. Do đó, cơ sở hạ tầng của loại nhà xưởng này cũng hiện đại và mang tính thẩm mỹ cao.
- Giảm chi phí làm mái: Là một khoản chi phí mà ít chủ đầu tư nghĩ tới. Tuy nhiên, thực tế nhà xưởng nhiều tầng sẽ giúp chủ đầu tư tiết kiệm chi phí làm mái hơn nhiều so với làm nhà xưởng một mái.
Loại nhà xưởng nhiều tầng thường được áp dụng ở các khu vực có quỹ đất hẹp. Ví dụ với những khu công nghiệp có tỷ lệ lấp đầy cao, những chủ đầu tư mới gia nhập sẽ ưu tiên lựa chọn nhà xưởng nhiều tầng để tối ưu hóa chi phí và quỹ đất. Đây cũng là lựa chọn của đa dạng ngành nghề đầu tư tùy vào mong muốn của chủ đầu tư.
4.4. Nhà xưởng công nghiệp kết hợp văn phòng
Nhà xưởng công nghiệp kết hợp văn phòng là nhà xưởng vừa có khu sản xuất vừa có khu văn phòng. Sự kết hợp này giúp cho quá trình quản lý hoạt động nhà xưởng trở nên tốt hơn. Quy trình hoàn thiện loại nhà xưởng kết hợp văn phòng bao gồm: thiết kế, xây dựng bê tông cốt thép, làm mái và hoàn thiện nhà xưởng.
Ưu điểm của loại nhà xưởng này bao gồm:
- Tiết kiệm diện tích: Thay vì xây dựng văn phòng ở khu vực riêng, việc kết hợp chung với nhà xưởng sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm diện tích xây dựng và vận dụng tối đa không gian sẵn có.
- Tạo liên kết trong công việc: Nhân viên các khối sản xuất và khối văn phòng sẽ liên kết, thuận tiện hơn trong công việc như trao đổi thông tin, giải quyết vấn đề, thảo luận, lên kế hoạch phối hợp.
- Tiết kiệm thời gian di chuyển: Với sự kết hợp giữa nhà xưởng và văn phòng, người lao động không cần phải di chuyển quá nhiều từ khu vực này sang khu vực khác khi có công việc. Do đó, nhân viên sẽ tiết kiệm được khá nhiều chi phí và thời gian cho việc di chuyển.
- Tiết kiệm chi phí đầu tư: Xây dựng kết hợp sẽ giúp chủ đầu tư tiết kiệm được khá nhiều chi phí đầu tư vì sử dụng chung các hạ tầng kỹ thuật như điện, nước, vật liệu xây dựng,…
Với những ưu điểm trên, mô hình nhà xưởng này cũng được nhiều doanh nghiệp/chủ đầu tư nhỏ và vừa lựa chọn. Các ngành nghề áp dụng thông thường như nội thất, gia công bao bì, may mặc,…
4.5. Nhà xưởng công nghiệp đi kèm hệ sinh thái
Với xu hướng phát triển bền vững hiện nay, mô hình nhà xưởng đi kèm hệ sinh thái là lựa chọn hàng đầu của nhà đầu tư. Đây cũng là loại hình được Nhà nước chú trọng phát triển và có nhiều biện pháp thúc đẩy đầu tư. Mô hình nhà xưởng này sẽ chú trọng đến hình thành cảnh quan cây xanh, môi trường sinh thái xung quanh nhà xưởng.
Ưu điểm của mô hình nhà xưởng công nghiệp đi kèm hệ sinh thái bao gồm:
- Thân thiện với môi trường: Việc kết hợp hệ sinh thái với nhà xưởng sẽ làm giảm thiểu khí thải CO2. Đồng thời nhà xưởng này thường có các biện pháp xử lý nước thải, chất thải theo hướng bền vững. Do đó, mô hình này có vai trò đóng góp quan trọng trong việc bảo vệ môi trường.
- Tạo cảnh quan mát mẻ: Với sự kết hợp cây xanh và các yếu tố hệ sinh thái, nhà xưởng luôn có không gian trong lành. Điều này còn giúp công nhân bảo vệ sức khỏe và nâng cao năng suất làm việc.
- Cải thiện hình ảnh thương hiệu: Đầu tư vào các mô hình nhà xưởng kết hợp hệ sinh thái giúp khách hàng và nhà đầu tư có cái nhìn tốt hơn về thương hiệu. Từ đó, nâng cao sự hài lòng và niềm tin của đối tác với thương hiệu, thúc đẩy hình ảnh thương hiệu tốt hơn
Một số khu công nghiệp hiện nay có hệ sinh thái tốt là khu công nghiệp xanh, khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp thân thiện môi trường,… Đây cũng là những khu vực mà chủ đầu tư nhà xưởng lựa chọn mô hình này có thể tham khảo
→ Để biết thêm thông tin về mô hình khu công nghiệp xanh, bạn đọc có thể tham khảo ngay tại bài viết: “Mô hình khu công nghiệp xanh”.
Trên đây là toàn bộ thông tin cần biết về thiết kế nhà xưởng công nghiệp năm 2024. Nếu bạn đang quan tâm tới mô hình nhà xưởng xây sẵn và xây theo yêu cầu, bạn có thể tham khảo ngay dịch vụ cho thuê nhà xưởng tại KCN Du Long. Chúng tôi cung cấp nhà xưởng đảm bảo đạt chuẩn theo quy định, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, thời gian và nguồn lực khi đầu tư.