Khu công nghiệp tái tạo là gì? Đây là một trong những mô hình khu công nghiệp đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trên thế giới quan và đồng thời cũng được Việt Nam dự định phát triển trong giai đoạn 2025 – 2030 tới. Hãy cùng chúng tôi cập nhật ngay thông tin về thực trạng và xu hướng phát triển của khu công nghiệp tái tạo tại Việt Nam trong bài viết dưới đây!
1. Thông tin chung về khu công nghiệp tái tạo
Khu công nghiệp tái tạo (KCNTT) là mô hình khu công nghiệp (KCN) định hướng phát triển bền vững và bảo vệ môi trường thông qua các hoạt động như sử dụng năng lượng tái tạo trong các hoạt động sản xuất, tái chế chất thải khu công nghiệp (nước thải, rác thải, năng lượng…).
KCNTT giúp phát huy tối đa tiềm năng của các ngành nghề đặc thù như sản xuất và chế biến, hóa chất và dược phẩm, dệt nhuộm, sản xuất linh kiện thiết bị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng mặt trời, gió,… hay các doanh nghiệp tái chế vải, nhựa, rác thải,…
Đặc biệt, KCNTT sẽ là nguồn cung cấp tín chỉ carbon (giấy phép phát thải) tiềm năng trong tương lai. Tín chỉ carbon – hay là “giấy thông hành” cho phép các doanh nghiệp xả thải một lượng khí C02 ra môi trường, vì vậy các doanh nghiệp không tránh được phát thải sẽ phải mua loại tín chỉ này để tiếp tục các hoạt động sản xuất.
Trong năm 2023, Việt Nam đã thành công bán 10,3 triệu tín chỉ tương đương với 51,5 triệu USD (~ 1200 tỷ VND) theo báo cáo của Worldbank 2023 (WB). Thị trường tín chỉ carbon được dự đoán sẽ tiếp tục phát triển nhanh chóng và thu hút nhiều sự quan tâm từ các nhà đầu tư trong thời gian tới.
Mô hình KCNTT sẽ mang đầy đủ tính chất của một khu công nghiệp sinh thái, cụ thể là những đặc điểm sau đây:
- Có đầy đủ giấy phép cơ bản theo quy định của Pháp luật: Mô hình KCNTT cần đảm bảo đáp ứng đầy đủ các giấy phép của KCN cơ bản như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đầu tư,…
- Hoạt động sản xuất thân thiện với môi trường: KCNTT cần đáp ứng các giấy phép về môi trường, có ít nhất một cộng sinh công nghiệp, có báo cáo bảo vệ môi trường hàng năm của các doanh nghiệp, có hệ thống xử lý chất thải và tái chế rác thải.
- Đầy đủ về cơ sở hạ tầng khu công nghiệp cơ bản: Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đạt chuẩn, hệ thống giao thông phát triển, đầy đủ về trang thiết bị, hệ thống phòng cháy chữa cháy, hệ thống cung cấp điện, nước, cảnh quan,…
- Đảm bảo các tiêu chí về khu công nghiệp xanh: Có hệ thống xử lý hóa chất và chất thải, tối thiểu 25% diện tích KCN là diện tích dành cho cây xanh, hạ tầng dùng chung, hạ tầng xã hội đảm bảo cung cấp nhà ở, công trình xã hội, văn hóa cho người lao động trong KCN.
- Ứng dụng các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên: KCNTT cần đảm bảo tối thiểu 20% doanh nghiệp trong KCN áp dụng các giải pháp sử dụng tài nguyên hiệu quả, tiết kiệm năng lượng, nước; sản xuất sạch và giảm phát thải ra môi trường.
- Sử dụng năng lượng tái tạo: Tích hợp hệ thống năng lượng tái tạo trong sản xuất, điển hình như năng lượng mặt trời và năng lượng gió nhằm thay thế và loại bỏ dần năng lượng hóa thạch trong quá trình sản xuất.
- Khả năng sản xuất tín chỉ carbon cao: Tận dụng nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, gió,… KCNTT làm hạn chế lượng khí thải CO2 đáng kể so với các KCN sử dụng năng lượng hóa thạch, từ đó làm tăng khả năng sản xuất tín chỉ carbon, giúp doanh nghiệp đạt được mục tiêu phát triển bền vững và tăng các giao dịch thương mại.
2. Vai trò của khu công nghiệp tái tạo
2.1. Đối với kinh tế
Không chỉ có ảnh hưởng lớn đến môi trường, mô hình KCNTT còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực về mặt kinh tế như:
- Tạo nguồn cung dồi dào cho các sản phẩm năng lượng tái tạo: KCNTT tập trung nhiều các nhà máy sản xuất điện gió, điện mặt trời, pin năng lượng mặt trời,…. giúp tiết kiệm chi phí điện, thay thế hoạt động sản xuất bằng năng lượng tái tạo.
- Thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ: KCNTT thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp phụ trợ như sản xuất linh kiện, nguyên vật liệu cho các nhà máy năng lượng tái tạo.
- Thu hút đầu tư trong nước và quốc tế: KCNTT cung cấp môi trường đầu tư thuận lợi với cơ sở hạ tầng hiện đại, chính sách ưu đãi, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, các ngành nghề đặc thù như dệt may, hóa chất,…
- Tạo ra nhiều tín chỉ carbon, thúc đẩy giao dịch thương mại: KCNTT góp phần tạo ra nhiều tín chỉ carbon, tăng cường vốn cho các hoạt động phát triển bền vững như trồng rừng, giảm mất rừng, phát triển sinh kế cho những người làm về công việc này,…
2.2. Đối với xã hội
Bên cạnh các lợi ích về mặt kinh tế, KCNTT cũng mang lại những lợi ích tiềm năng về mặt xã hội, bao gồm:
- Nâng cao hình ảnh quốc gia: KCNTT được phát triển mạnh thể hiện cam kết của Việt Nam trong công cuộc phát triển năng lượng sạch, bảo vệ môi trường, giảm thiểu phát thải carbon nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.
- Tạo việc làm cho người lao động: KCNTT tạo ra nhiều việc làm cho người lao động, góp phần giảm thiểu tỷ lệ thất nghiệp, nâng cao mức sống của người dân.
- Cải thiện chất lượng sống: Việc đầu tư vào các KCNTT mang lại những hiệu quả đáng kể về môi trường như giảm thiểu ô nhiễm, giảm phát thải, cải thiện chất lượng không khí và nguồn nước, góp phần tạo ra môi trường sống chất lượng cho người dân xung quanh KCN.
2.3. Đối với môi trường
Vai trò đối với môi trường là vai trò quan trọng nhất của một KCNTT, cụ thể:
- Giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững: KCNTT sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như gió, năng lượng mặt trời,…không phát thải khí nhà kính, giúp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu như hạn hán, lũ lụt, làm chậm quá trình nóng lên toàn cầu, tránh tình trạng nước biển dâng cao,…
- Quản lý và giảm thiểu chất thải: KCNTT sử dụng các công nghệ tiên tiến để tái chế và xử lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm và áp lực lên các bãi chôn lấp, góp phần bảo vệ nguồn đất và nguồn nước ngầm.
- Bảo tồn tài nguyên thiên nhiên: KCNTT sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, giảm dần năng lượng hóa thạch, giúp bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt trong bối cảnh cạn kiệt nhiên liệu hóa thạch hiện nay.
- Tăng cường đa dạng sinh học: KCNTT thường dành khoảng 25% diện tích KCN cho cây xanh và các khu vực bảo tồn thiên nhiên, giúp tăng cường và bảo vệ sự đa dạng sinh học trong khu vực khu công nghiệp.
- Thỏa mãn các điều kiện liên quan tới ESG: Báo cáo ESG bao gồm các tiêu chí liên quan đến môi trường, xã hội, và quản trị doanh nghiệp. Hiện các doanh nghiệp đang tích cực trong việc nộp báo cáo ESG hàng năm để chứng minh doanh nghiệp có tầm ảnh hưởng tối đến các tiêu chí nêu trên
3. Thực trạng và xu hướng phát triển của khu công nghiệp tái tạo tại Việt Nam
3.1. Thực trạng
Một số tỉnh thành như Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai là “địa điểm vàng” để phát triển mô hình KCN mới với tiềm năng về năng lượng gió, mặt trời dồi dào. Các khu vực này đã bắt đầu xuất hiện các KCN xanh như KCN Du Long tại Ninh Thuận, KCN sinh thái Nam Đình Vũ và KCN Nam Cầu Kiền tại Hải Phòng, KCN Hòa Khánh tại Phú Yên, KCN Liên Hà Thái tại Thái Bình…
Tính đến hết năm 2023, Việt Nam có hơn 620 KCN trên cả nước (riêng năm 2023 thành lập 397 KCN mới) với mức tăng trưởng ổn định. Trong đó, khu công nghiệp sinh thái chỉ có khoảng 7 KCN đang được thí điểm trên cả nước, bao gồm: KCN Khánh Phú (Ninh Bình), KCN Hòa Khánh (Đà Nẵng), KCN Trà Nóc 1 và KCN Trà Nóc 2 (Cần Thơ), KCN Hiệp Phước (TP HCM), KCN Amata (Đồng Nai) và KCN Đình Vũ (Hải Phòng).
Dựa trên mục tiêu và những hành động thực tế của của Nhà nước như đẩy mạnh thị trường tín chỉ carbon, thực hiện chính sách công nghiệp xanh, tổ chức các buổi hội thảo về phát triển bền vững, mô hình KCNTT được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trong tương lai gần, với tốc độ nhanh hơn giai đoạn đầu.
3.2. Xu hướng phát triển
Cho đến thời điểm hiện tại, KCNTT là một mô hình mới nhưng được Nhà nước ưu tiên phát triển nhằm khắc phục những yếu điểm của KCN truyền thống. Các hội thảo về năng lượng tái tạo như: Hội thảo phát triển năng lượng tái tạo nhìn từ quy hoạch điện VIII, Hội thảo năng lượng xanh, hydro xanh và khu công nghiệp trung hòa,… thường xuyên được tổ chức nhằm đánh giá về tầm quan trọng của mô hình mới và đưa ra giải pháp để đáp ứng mục tiêu giảm thải phát thải đến mức tối thiểu, thậm chí đưa phát thải carbon về con số “0” trong tương lai.
Định hướng phát triển KCNTT là xu hướng chung hiện nay theo hướng phát triển nền công nghiệp bền vững, vừa đáp ứng hiệu quả về kinh tế, xã hội vừa đảm bảo hạn chế tác động đến môi trường. Dự kiến trong tương lai, mô hình KCN sinh thái, KCNTT sẽ là lựa chọn hàng đầu cho các nhà đầu tư/ doanh nghiệp khi lựa chọn thị trường KCN tại Việt Nam.
Trên đây, chúng tôi đã tổng hợp cho bạn đọc những thông tin mới nhất về khu công nghiệp tái tạo – một trong những mô hình đang được các nhà đầu tư, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý quan tâm nhất thời điểm hiện nay. Nếu muốn tìm hiểu thêm về thị trường bất động sản khu công nghiệp, bạn đọc có tham khảo thêm các bài viết tại https://dulongip.vn/ nhé!