Tình hình phát triển khu công nghiệp ở Việt Nam đang có những dấu hiệu tăng trưởng tích cực như nguồn vốn FDI tăng 7,7% so với năm 2022, có 379 dự án được ký mới với vốn đầu tư lên đến 5,4 tỷ USD… . Trong bài viết này, chúng tôi sẽ cập nhật những thông tin mới nhất về thực trạng, các hạn chế và giải pháp của thị trường bất động sản khu công nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.
1. Thực trạng các khu công nghiệp ở Việt Nam
Sau 30 năm hình thành và phát triển, các khu công nghiệp (KCN) và khu kinh tế (KKT) của Việt Nam đã đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, sự phát triển này đồng hành với xu thế dịch chuyển dòng vốn đầu tư hiện nay, giúp tăng cường vị thế của Việt Nam trong thị trường quốc tế.
Dưới đây là bảng tổng hợp số lượng KCN, quy mô, tổng vốn đầu tư và tình trạng hoạt động của các KCN tại Việt Nam trong giai đoạn 2020 – 2023:
Năm | Số lượng KCN | Quy mô
(Tổng diện tích đất) |
Tổng vốn đầu tư
(Tổng vốn đầu tư) |
Tình trạng hoạt động
(Bao nhiêu % các KCN đã đi vào hoạt động) |
2020 | 369 | 114.000 ha | 28,53 tỉ USD | 76% |
2021 | 397 | 122.900 ha | 31,15 tỉ USD | 73% |
2022 | 410 | 129.300 ha | 22,4 tỉ USD | 71,4% |
2023 | 620 | 122.900 ha | 36,61 tỉ USD | 47% |
Phát triển khu công nghiệp tại Việt Nam đã ghi nhận nhiều thành tựu đáng chú ý trong những năm vừa qua:
- Tốc độ tăng trưởng ổn định: Tốc độ tăng trưởng của sản xuất công nghiệp trong giai đoạn đổi mới đạt mức tăng 12,3% trung bình trong khoảng 20 năm (1986-2005). Trong thời kỳ 2011-2020, ngành công nghiệp đạt mức tăng trưởng cao nhất, chiếm khoảng 30% GDP và đưa Việt Nam lên vị trí thứ 22 trong danh sách các quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới.
- Cải thiện năng lực cạnh tranh: Chỉ trong 10 năm (2009-2019), năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam đã tăng 16 bậc lên vị trí 42 trên bảng xếp hạng của UNIDO. Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có nền công nghiệp cạnh tranh toàn cầu ở mức trung bình cao, đạt vị trí thứ 5 trong khu vực ASEAN.
- Chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tích cực: Chuyển dịch cơ cấu từ tập trung khai khoáng thành chế biến, chế tạo. Tới năm 2020, ngành công nghiệp chế biến trở thành ngành có tỉ trọng cao nhất trong cơ cấu kinh tế, đóng góp 16,7% GDP cả nước.
- Phát triển về quy mô và số lượng KCN: Tính đến năm 2021, cả nước có 397 KCN được thành lập (291 KCN đang hoạt động) với tổng diện tích đất công nghiệp lên đến 122.900 ha.. Các KCN này không chỉ đóng vai trò trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh mẽ mà còn góp phần lớn vào xuất khẩu, nguồn thu ngân sách và tạo việc làm.
- Thu hút được lượng lớn vốn FDI: Công nghiệp Việt Nam thu hút một lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài từ các tập đoàn quốc tế, với hơn 27.353 dự án FDI, tổng vốn đăng ký 340 tỷ USD (tính đến cuối năm 2018). Điều này đóng góp tích cực cho quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước thông qua việc đẩy mạnh các dự án FDI và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
2. Các thành tựu trong phát triển khu công nghiệp tại Việt Nam
Phát triển khu công nghiệp tại Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể, đóng góp tích cực vào tăng trưởng và phát triển kinh tế quốc gia, bao gồm:
- Đóng góp tích cực tăng trưởng và phát triển kinh tế Việt Nam: Tính đến cuối tháng 12/2023, tổng vốn FDI đăng ký vào các khu công nghiệp tại Việt Nam đạt gần 36,61 tỉ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ. Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ kế hoạch và Đầu tư, vốn đầu tư thông qua góp vốn mua cổ phần đạt hơn 8,5 tỉ USD, tăng 65,7%, là một dấu hiệu tích cực về sự quan tâm của nhà đầu tư vào thị trường cổ phần Việt Nam.
- Cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư: Mô hình khu công nghiệp không chỉ tạo ra cơ hội đầu tư mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện thể chế, thúc đẩy đổi mới thủ tục hành chính và tạo môi trường kinh doanh tích cực.
3. Các hạn chế trong phát triển khu công nghiệp tại Việt Nam
3.1. Hạn chế
Mặc dù đóng góp một phần quan trọng trong cơ cấu kinh tế quốc gia những năm gần đây nhưng quá trình phát triển của các khu công nghiệp tại Việt Nam vẫn gặp nhiều hạn chế như:
- Công tác quy hoạch tổng thể thiếu tầm nhìn dài hạn với các ngành kinh tế khác và với xã hội: Một số tỉnh, thành vẫn chưa khai thác hiệu quả tiềm năng của địa phương, làm giảm sức hút của khu vực này đối với nhà đầu tư. Ngược lại, hai khu vực kinh tế trọng điểm chính là miền Bắc và miền Nam với tỉ lệ lấp đầy khu công nghiệp luôn ở mức cao (>80%) gây áp lực lớn về hạ tầng kỹ thuật và xã hội tại địa phương.
- Nguồn cung lao động tay nghề cao còn hạn chế – không hấp dẫn với những ngành như bán dẫn hoặc ngành yêu cầu lao động tay nghề siêu cao: Mặc dù sở hữu nguồn lao động dồi dào nhưng chất lượng chưa đảm bảo để phục vụ cho nhu cầu sản xuất của các ngành công nghiệp mới như bán dẫn, linh kiện điện tử,…
- Vị trí địa lý một số KCN ở miền trung không được thuận lợi: Dù sở hữu nhiều lợi thế tiềm năng như: nhiều cảng biển, quỹ đất trống lớn và tài nguyên thiên nhiên dồi dào,…nhưng vị trí địa lý của các KCN tại miền Trung khó để kết nối tốt với các thị trường khác, đây cũng là một trong số những lý do hạn chế tốc độ phát triển KCN ở khu vực này.
- Chính sách hỗ trợ không đa dạng, chưa có sự đặc thù/ phân biệt giữa lĩnh vực sản xuất và dịch vụ: Chính sách hỗ trợ cũng gặp khó khăn, với sự không đa dạng và thiếu sự phân biệt giữa lĩnh vực sản xuất và dịch vụ. Điều này tạo ra sự phức tạp trong thủ tục hành chính và làm tăng gánh nặng cho các doanh nghiệp muốn đầu tư vào KCN.
- KCN hiện vẫn theo hướng phát triển đa ngành với mục tiêu chính là lấp đầy diện tích: Trong số 620 dự án KCN trên cả nước, chỉ có 7 KCN theo mô hình sinh thái dẫn tới việc hiệu quả sử dụng đất công nghiệp chưa được cao.
- Nâng cấp bộ máy quản lý cấp nhà nước để đáp ứng tốc độ phát triển của lĩnh vực bất động sản KCN: Ngân sách nhà nước hỗ trợ hạ tầng KCN, KKT còn thấp so với nhu cầu, hạn chế nguồn vốn đầu tư. Ngoài ra, bộ máy quản lý tại các địa phương chưa được quy định rõ ràng về chức năng và nhiệm vụ khiến công tác quản lý còn nhiều khó khăn.
- Phát triển nhưng chưa bền vững: Các KCN chưa ưu tiên yếu tố bền vững, bảo vệ môi trường chưa được chú trọng. Nhiều KCN hoạt động thiếu giấy phép, không đạt tiêu chuẩn hạ tầng, và nhiều doanh nghiệp hoạt động trái phép. Phát triển hạ tầng chủ yếu theo hướng dàn trải, chưa tập trung vào mục tiêu tăng cường giá trị và hiệu quả sử dụng đất.
3.2. Giải pháp
Để có thể giải quyết những hạn chế kể trên, Chính phủ và các cơ quan quản lý KCN cần định hướng theo các giải pháp dưới đây:
- Quy hoạch đồng bộ và chiến lược dài hạn: Các cơ quan ban ngành cần xây dựng kế hoạch quy hoạch tổng thể với quy mô và loại hình phù hợp, đồng bộ với nhu cầu phát triển và thu hút đầu tư của từng khu vực.
- Phát triển năng lực lao động: Mở rộng quy mô các trường nghề và tổ chức khóa đào tạo chuyên môn ngắn ngày để nâng cao năng lực lao động, đáp ứng nhu cầu của các ngành công nghiệp, đặc biệt là đối với những ngành công nghiệp mới đòi hỏi chất lượng lao động cao như linh kiện điện tử, linh kiện bán dẫn,…
- Rà soát và thống nhất quy định liên quan tới KCN: Chính phủ và các cơ quan chịu trách nhiệm cần kiểm tra lại và thống nhất quy định liên quan tới KCN trước khi áp dụng để đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện.
- Chính sách phát triển cho các loại hình KCN đặc thù: Nhà nước cần chú trọng đầu tư vào phát triển các loại hình KCN sinh thái, chuyên ngành, và KCN – đô thị – dịch vụ, với chính sách hỗ trợ và ưu đãi riêng biệt cho từng loại.
- Đa dạng hóa chính sách hỗ trợ cho các nhà đầu tư: Cần có thêm các chính sách hỗ trợ theo từng ngành nghề nghề sản xuất và dịch vụ để khuyến khích các nhà đầu tư tham gia phát triển các ngành mũi nhọn.
- Thể chế hóa quy định và đồng bộ hóa luật pháp: Nhà nước cần nhanh chóng thể chế hóa các quy định quản lý và đồng bộ hóa luật pháp cho khu công nghiệp, giúp tạo ra một môi trường phát triển ổn định và thuận lợi.
4. Xu hướng phát triển khu công nghiệp ở Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025
Trong giai đoạn 2021-2025, Việt Nam đặt ra kế hoạch tập trung phát triển KCN theo định hướng:
- Tập trung phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn và đi theo xu hướng phát triển của quốc tế như công nghiệp năng lượng, cơ khí chế tạo, luyện kim, hóa chất, phân bón, và vật liệu. Đồng thời, việc phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn như điện tử, trí tuệ nhân tạo, sản xuất robot, ô tô, công nghiệp hỗ trợ ô tô, công nghệ sinh học, điện tử y sinh, sản xuất phần mềm, sản phẩm số, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo được đặt làm ưu tiên.
- Phát triển công nghiệp quy mô lớn tại các KKT ven biển: Mục tiêu chính là phát triển sản xuất công nghiệp quy mô lớn tại các khu kinh tế ven biển, tập trung vào các ngành sản xuất công nghiệp nặng, giúp hình thành chuỗi giá trị, đảm bảo chất lượng và tuân thủ nghiêm ngặt về truy xuất nguồn gốc. Điều này giúp tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn lực trong nước và đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế.
- Nâng tỷ trọng công nghiệp trong GDP và cải thiện mức sống của người dân: Việt Nam đặt ra mục tiêu nâng tỷ trọng công nghiệp trong GDP lên trên 40%, với giá trị gia tăng từ công nghiệp chế biến, chế tạo đạt trên 2.000 USD/người. Ngoài ra, kế hoạch giải quyết việc làm cho 7-8 triệu lao động vào năm 2030.
- Mở rộng quy mô khu công nghiệp: Trong 10 năm tới, quy hoạch diện tích đất KCN dự kiến sẽ tăng thêm 115.000 ha, đạt tổng cộng 205.800 ha, để tạo lập môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài tham gia đầu tư tại Việt Nam.
- Chuyển đổi mô hình KCN theo hướng sinh thái và KCN – đô thị – dịch vụ: Việc xây dựng và chuyển đổi theo hướng mô hình KCN sinh thái và KCN – đô thị – dịch vụ sẽ tạo ra môi trường bền vững, hỗ trợ sự phát triển dài hạn và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Vận hành và quản lý các khu công nghiệp theo mô hình doanh nghiệp số và chính phủ số sẽ tối ưu hóa quy trình và cải thiện hiệu suất hệ thống.
Tình hình phát triển khu công nghiệp ở Việt Nam hiện nay không chỉ thể hiện sự ổn định của nền kinh tế mà còn là thước đo đánh giá sức hút đầu tư của quốc gia đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Đừng quên theo dõi website https://dulongip.vn/ để cập nhật xu hướng phát triển của thị trường bất động sản khu công nghiệp tại Việt Nam nhanh chóng nhất!